Xu hướng thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng 2021

admin    23/01/2021 03:37:16

Trong thời gian vừa qua, mặc dù phải hứng chịu những tác động nặng nề của tình hình dịch bệnh nhưng bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng vốn nhiều dự địa, tiềm năng phát triển đã có những cú lội ngược dòng và đang trên đà hồi phục. Trước những tín hiệu tích cực đó, các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp địa ốc đã có những đánh giá, nhận định về xu hướng của thị trường này trong năm 2021.

Toàn cảnh BĐS du lịch nghỉ dưỡng thời Covid – 19

Cùng nhìn lại bức tranh BĐS du lịch nghỉ dưỡng trong bối cảnh kinh tế – xã hội đầy biến động chúng ta đều thẳng thắn thừa nhận rằng, trong năm qua lĩnh vực BĐS này vấp phải những tảng đá lớn cản đường. Đó chính là toàn bộ hoạt động du lịch quốc tế bị ngưng trệ, tình trạng kinh doanh lưu trú ế ẩm kéo dài.

Dẫn chia sẻ của bà Nguyễn Thị Liên – Phó Tổng giám đốc Khách sạn Hạ Long Pearl trên báo chí về hoạt động kinh doanh trong năm 2020. Theo đó, khách sạn  Hạ Long Pearl nhận một lượng lớn yêu cầu hủy phòng vào những tháng cuối cùng của mùa du lịch hè là tháng 8-9. Còn tháng 7 khách sạn mới có khách, doanh thu không đạt như các năm vì đơn vị tham gia kích cầu giảm. Bên cạnh đó, những thông tin về các ca Covid-19 mới khiến nhiều khách hủy lịch lại khiến việc kinh doanh khó khăn. Mỗi tháng doanh thu khách sạn phải đạt từ 3-4 tỷ đồng mới đảm bảo chi phí vận hành 162 phòng và trả lương nhân viên nhưng thời điểm này đang phải bù lỗ.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các khu du lịch nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng vắng bóng du khách

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, địa phương thu hút sự quan tâm của cả nước khi trở thành tâm dịch Covid – 19 trong làn sóng thứ 2 (vào tháng 7- 8 năm 2020). Đại dịch đã tiếp tục giáng một đòn nặng nề lên hoạt động kinh doanh lưu trú vốn đang gắng gượng vực dậy từ đợt dịch thứ 1 diễn ra hồi đầu năm 2020. Vào thời điểm đó, tình trạng rao bán khách sạn tại thành phố biển này diễn ra nhan nhản sau thời gian dài cố gắng cầm cự. Theo như ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng chia sẻ, một số nhà đầu tư kinh doanh lưu trú với quy mô không lớn và khả năng tài chính yếu không chịu được áp lực thì phải bán cắt lỗ, chỉ tập trung ở phân khúc 1-3 sao. 

Diễn biến tồi tệ của hoạt động kinh doanh lưu trú đã tác động trực tiếp lên thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng, diễn biến chính của thị trường này vào lúc cao điểm dịch bệnh bùng phát gần như đóng băng. Theo thống kê của Công ty BĐS DKRA Việt Nam về hoạt động kinh doanh của đơn vị như sau: trong quý 2 năm 2020, thị trường chỉ đón nhận 4 dự án mở bán, cung ứng 128 căn biệt thự biển, tăng gấp 8 lần so với quý trước nhưng chỉ bằng 7% so với cùng kỳ năm 2019; tỉ lệ tiêu thụ rất khiêm tốn chỉ đạt 10% nguồn cung mới (khoảng 13 căn), chỉ bằng 1% so với cùng kỳ năm 2019.

Giải thích về sự suy giảm chung của thị trường, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội từng phân tích, các nhà đầu tư  sẽ thận trọng, mang tâm lý “cố thủ” để nghe ngóng xem xét thị trường, xem việc kiểm soát dịch bệnh… vì vậy giao dịch trên toàn thị trường giảm nhiều. 

Cú lội ngược dòng từ dòng khách nội địa

Bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam vốn được ví là “con gà đẻ trứng vàng” không còn phải bàn cãi thì một trong những điểm sáng trong bức tranh thị trường du lịch trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường trên toàn cầu đó chính là dòng khách nội địa. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, trong 10 tháng đầu năm 2020, khách du lịch nội địa đạt 42,5 triệu lượt. Còn theo Booking.com, du lịch nội địa tại Việt Nam tăng trưởng chưa từng có trong ‘mùa’ COVID-19, với hành trình trong nước chiếm đến 96% tổng quãng đường du lịch của người Việt trong giai đoạn từ 1/6-31/8/2020. Cùng kỳ năm 2019, con số này chỉ ước đạt 52%. Để có được con số ấn tượng này, có lẽ xuất phát từ hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh Covid – 19 của nước ta và chiến lược kinh doanh phù hợp của nhiều công ty du lịch mà điển hình là cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” đã tạo ra bước ngoặt, mang đến “phao cứu sinh” đưa thị trường du lịch hồi sinh.

Cũng từ đó, ông Mauro Gasparotti – Giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương khẳng định, thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam thực tế đã bắt đầu quá trình hồi phục, điều này có được từ sự manh nha trở lại của dòng khách nội địa và cần tập trung đẩy mạnh thị trường này bằng cách đảm bảo an toàn cho du khách khi đi du lịch.

Xu hướng mới của BĐS du lịch nghỉ dưỡng năm 2021

Trước thực trạng của ngành BĐS du lịch nghỉ dưỡng trong bối cảnh dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát trong khi trên thế giới không ngừng tăng cao, khó đoán các chuyên gia đồng quan điểm,ngành du lịch và BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục vượt qua khủng hoảng, biến động bằng khách nội địa. Do đó, doanh nghiệp địa ốc cần điều chỉnh và xây dựng các dự án tại những thành phố hạng 2, 3 sở hữu những lợi thế về thiên nhiên, vị trí gần biển.

Quảng Nam là một trong những điểm đến mới mẻ thu hút các nhà đầu tư.

Phát biểu tại một hội thảo diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Novaland cho hay, các nhà phát triển BĐS tại thị trường Việt Nam rất sáng tạo khi không ngừng kiến tạo ra nhiều loại hình sản phẩm nghỉ dưỡng đa dạng hơn trước đây. Nếu các mô hình mới này đạt tiêu chuẩn cao và được thị trường chấp nhận có thể hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi của ngành BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian tới.

Ông Phiên dự báo, trong bối cảnh đại dịch vẫn còn khó đoán trên toàn cầu, những dự án nghỉ dưỡng có kết nối hạ tầng tốt, thời gian di chuyển nhanh tại thị trường nội địa sẽ có nhiều cơ hội phục hồi sớm hơn.

Bên cạnh đó, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, mặc dù dịch bệnh mang đến vô vàn thách thức nhưng cũng mở ra không ít cơ hội đối với những nhà đầu tư kinh doanh nhạy bén với thời cuộc. Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi cho rằng, chính trong những thách thức của dịch bệnh, của tâm lý thị trường yếu sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có năng lực tài chính mua lại quỹ đất tốt để phát triển dự án, đón đầu sự phục hồi của thị trường.

Đưa ra dự báo về triển vọng của thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian tới, ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA cho biết: Những thị trường quen thuộc như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Nha Trang, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long vẫn là nơi duy trì thế mạnh du lịch từ cảnh quan môi trường thiên nhiên, di sản văn hóa – lịch sử,…Đồng thời, những thị trường mới như: Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị,… sở hữu nhiều lợi thế thiên nhiên, môi trường còn hoang sơ, mới mẻ sẽ là những điểm đến hút khách. Thực tế là các chủ đầu tư lớn đã rục rịch xây dựng và phát triển các dự án quy mô tầm cỡ, quy hoạch bài bản các phân khu chức năng, hạ tầng tiện ích,… đặc biệt là tạo ra thêm các giá trị mới cho du lịch và phát triển đô thị.

Liên Vy