Bất động sản Đà Nẵng: Giao dịch chững nhưng giá không giảm

admin    04/09/2018 05:49:37

Từ khoảng giữa năm 2018 đến nay, trên thị trường bất động sản ở Đà Nẵng và các khu vực lân cận xuất hiện tin đồn sẽ rơi vào cảnh “vỡ bong bóng”. Giao dịch tại khu vực đang chững lại rất nhanh, khác hẳn so với tình hình sôi động trước đó.
Tin liên quan: 

Nhân viên kinh doanh bất động sản của một sàn giao dịch lớn tại Đà Nẵng chia sẻ: Trước đây, một ngày tôi nhận hơn hai chục cuộc gọi hỏi mua đất nền, mỗi ngày tiếp hơn chục khách xem đất. Tuy nhiên, thời gian gần đây số lượng khách giảm đi rất nhiều.
Thực tế giao dịch trầm lắng cùng với cảnh báo “khủng hoảng chu kỳ” khiến việc giao dịch của bên mua càng thêm thận trọng. Trước đó, vào năm 2008, thị trường bất động sản ở địa phương trong xu thế chung của cả nước cũng đã rơi vào cảnh rất khó khăn, giá bán sản phẩm “rơi thẳng đứng”, xuống tận đáy…
“Người mua luôn tỏ ra thận trọng, nên giao dịch rất khó chốt nhanh. Tình hình khác hẳn so với năm 2017”, nhân viên kinh doanh bất động sản nói trên chia sẻ thêm.
Vào năm ngoái, Đà Nẵng tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn, thu hút lượng du khách nước ngoài đến thành phố tăng nhanh, du lịch và dịch vụ phát triển, thị trường bất động sản cũng khởi sắc từng ngày. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt dự án bất động sản xuất hiện mang đến nhiều sản phẩm ở đa dạng các phân khúc…
Giá nhà đất tại TP. Đà Nẵng và khu vực lân cận nhanh chóng lên “cơn sốt”. Có những khu vực như Hòa Xuân, gần cầu Nguyễn Tri Phương (TP. Đà Nẵng), chỉ trong thời gian ngắn giá đất tăng 2-3 lần. Tương tự, ở khu vực giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam như thị xã Điện Bàn, giá đất cũng tăng chóng mặt.
Ông Phan Hồng Hà, trú quận Thanh Khê, (TP. Đà Nẵng) nhớ lại, ở thời điểm giữa năm 2017, buổi sáng ông đi xem đất và được báo giá 1,2 tỷ đồng/lô 100m2, nhưng đến chiều khi ông quyết định mua lô đất này thì nhân viên kinh doanh báo giá đã tăng lên 1,27 tỷ đồng.
“Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, giá lô đất đã tăng thêm đến 70 triệu đồng, nhưng không mua thì sẽ có người chồng tiền lấy ngay…” – ông Hà cho biết.
Nhưng tới thời điểm hiện nay, tình trạng tăng giá như vậy không còn. Theo một số người am hiểu về bất động sản Đà Nẵng, lý do là nhà đầu tư từ nơi xa, nguồn tài chính mạnh đổ vào thị trường này đã giảm nhiều. Cung – cầu hiện tại cân bằng hơn, với người mua có nhu cầu ở thực chiếm tỷ lệ cao hơn trước.
Chính vì vậy, mặc dù giao dịch thị trường hiện nay có chững lại, song giá bán vẫn không hề giảm. Đặc biệt, tại các đô thị mới như Điện Bàn, mặc cho thị trường có đôi chút trầm lắng, song giá đất nền vẫn ổn định. Nói một cách bình dân, dù vắng khách song người bán vẫn “miễn mặc cả”.
 
Các dự án khu đô thị tại Điện Bàn đang hình thành nhanh chóng

Bà Trần Thị Minh Dung, một nhà đầu tư bất động sản ở Đà Nẵng, cho biết cứ nghe râm ran thị trường đang chững lại, thực sự ra sao chưa biết nhưng thấy giá đất ở khu vực giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn không hề giảm…
“Nhiều gia đình mà tôi có quen biết muốn mua đất định cư, công nhân trong các khu công nghiệp muốn mua đất xây nhà đều có tâm lý chờ đất giảm giá. Nhưng tình hình này không mua sớm thì giá cũng có thể sẽ tăng lại.” – bà Dung chia sẻ thêm.
Thực tế, theo nhận định của các chuyên gia, chưa có một dấu hiệu nào cho thấy bong bóng bất động sản ở Đà Nẵng và khu vực lân cận với Quảng Nam sẽ  “vỡ bong bóng” trong thời gian tới. Bởi, thị trường tại đây, không chỉ thu hút các nhà đầu tư từ các tỉnh, thành khác mà còn có rất nhiều người dân địa phương đang có nhu cầu thực tế về nhà ở.
Đối với những khách mua ở địa phương, có nhu cầu thực tế về đất ở, họ thường tiếp cận lựa chọn dự án rất kỹ càng rồi mới quyết định mua hay không. Chính vì vậy, các dự án có chủ đầu tư uy tín, thông tin minh bạch, giấy tờ đầy đủ và hợp lệ vẫn có giao dịch ổn định, giá chốt không giảm so với trước đây.

D.T

(Theo Thời báo Ngân hàng)