Điểm sáng từ đô thị hiện đại bậc nhất Quảng Nam

admin    06/09/2018 04:07:12

Từ một thị xã nhỏ với cái tên “thương mại” thường gọi của các nhà đầu tư là khu vực Nam Đà Nẵng, Điện Bàn nhanh chóng chuyển mình để khẳng định vị thế là một trung tâm kinh tế tổng hợp của vùng Bắc Quảng Nam.
Tin liên quan: 
Nằm trên trục kết nối các tuyến giao thông trọng yếu của miền Trung, phía Bắc giáp với huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, phía Nam giáp với huyện Duy Xuyên và đô thị cổ Hội An, đồng thời sở hữu cảnh quan từ biển Đông và dòng sông Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn từ lâu đã được giới chuyên môn đánh giá là khu vực trọng điểm phát triển kinh tế khu vực nhờ khai thác những ưu thế tự nhiên vốn có.
Một góc thị xã Diện Bàn hiện nay (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên chỉ đến vài năm trở lại đây, Điện Bàn mới thực sự ghi dấu trên bản đồ miền Trung như một khu đô thị mới với nhịp độ phát triển không ngừng. Từ một huyện nghèo quanh năm sống bằng nghề chài lưới và các làng nghề thủ công, Điện Bàn ngày nay đã được quy hoạch như một trung tâm kinh tế tổng hợp công nghiệp – thương mại – dịch vụ – văn hoá và du lịch của vùng Bắc Quảng Nam. Các khu du lịch nối tiếp nhau ra đời cùng những khu công nghiệp hiện đại với quy mô lên đến hàng ngàn công nhân đã thay đổi bộ mặt của một huyện ven biển.
Du lịch sinh thái đang phát triển mạnh mẽ tại Điện Bàn (Ảnh: KDL sinh thái Triêm Tây đang thu hút du khách)

Theo ghi nhận, hiện nay xung quanh khu vực tập trung các điểm du lịch nổi tiếng như Hội An, biển Hà My, đa số các hộ gia đình đã chuyển sang kinh doanh các loại hình dịch vụ. Dọc theo tuyến đường Lạc Long Quân, resort và villa nghỉ dưỡng mọc lên san sát nối tiếp đến tận thành phố Hội An. Còn tại các khu công nghiệp lớn như KCN Điện Nam – Điện Ngọc xung quanh đã được phủ kín bởi nhà dân và các khu đô thị mới. Cứ đến giờ tan tầm, khu vực này lại trở nên nhộn nhịp bởi hàng ngàn công nhân tan ca tỏa về các tuyến đường. Khó có thể nhận ra đây đã từng là một huyện nhỏ với những làng chài quanh năm bám biển.
Công nhân tan ca tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc (Ảnh: Internet)

Từ năm 2015 khi Quốc Hội ban hành Quyết định chuyển huyện Điện Bàn thành thị xã, chính quyền địa phương cũng có những chính sách nhằm đưa Điện Bàn trở thành không gian đô thị hiện đại với chức năng của một trung tâm kinh tế tổng hợp của tỉnh. Với định hướng đó, chính quyền tỉnh đã ưu tiên xây dựng các công trình công cộng và đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân trong khu vực. Điển hình như khu vực Vĩnh Điện – Điện An (thị xã Điện Bàn) đã hình thành hệ thống tiện ích như trường THCS Phan Châu Trinh, THPT Nguyễn Duy Hiệu, bệnh viện Đa Khoa Quảng Nam, chợ Vĩnh Điện, công viên Điện Bàn, trung tâm mua sắm Coopmart…
Chợ Vĩnh Điện là một trong những khu chợ lớn được đầu tư quy hoạch tại Điện Bàn

Hiện nay, Điện Bàn không chỉ nổi tiếng bởi các khu du lịch sinh thái và những khu công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, mà còn bởi cơn sốt bất động sản bất ngờ xuất hiện tại địa phương này. Sau khi dự án nạo vét sông Cổ Cò được phê duyệt và dần tiến đến giai đoạn hoàn thiện, từ cuối năm 2017 đã có hàng loạt dự án khu đô thị mới được triển khai xây dựng tại đây. Bỗng chốc cái tên “khu vực Nam Đà Nẵng” đã không còn xa lạ với giới đầu tư khi thị trường Đà Nẵng đột ngột chững lại sau làn sóng đầu tư trước đó.
Hàng loạt KĐT ra đời tại Điện Bàn sau khi dự án nạo vét sông Cổ Cò được triển khai

Với tốc độ tăng trưởng hiện nay cùng với sự chuyển dịch dòng vốn trong nhiều lĩnh vực, nhiều chuyên gia dự đoán thị xã Điện Bàn trong tương lai sẽ phát triển đầy đủ về mọi mặt công nghiệp – thương mại – dịch vụ, trở thành khu đô thị hiện đại bậc nhất Quảng Nam và tiếp nối với Đà Nẵng – Hội An hình thành nên tuyến đô thị phát triển bền vững của khu vực miền Trung.

(Theo Báo Pháp Luật và Xã Hội)